Bến Tre là một trong những tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu
Long có nhiều địa danh nổi tiếng như Mỏ Cày - Ba Tri là quê hương của phong
trào Đồng Khởi và cũng là quê hương thứ 2 của Cụ Đồ Chiểu một người rất
nổi tiếng trong làng văn học với câu nói:
Chở bao nhiêu gạo thuyền không thẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà
Ngoài lịch sử Cách Mạng oai hùng, Bến Tre còn
là trong những vùng đất nổi tiếng có nhiều đặc sản trái cây Nam Bộ, đặc biệt là
cây dừa Bến Tre có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng, không
chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài như các mặt hàng
thủ công mỹ nghệ, kẹo dừa, bánh tráng dừa....gần đây người ta còn sử dụng dầu
dừa trong việc chế biến các món ăn đặc sản.
Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre không chỉ nức
tiếng với các loại trái cây ngon mà còn được mệnh danh là “vương quốc” của các
loại hoa kiểng, với làng hoa kiểng Cái Mơn nổi danh. Làng hoa kiểng Cái Mơn nằm cặp theo tuyến Quốc lộ 57, gồm các
xã: Vĩnh Thành, Tân Thiềng, Long
Thới, Phú Sơn, Hưng Khánh Trung B thuộc huyện chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Vào những ngày này, đi đến đâu trong làng hoa kiểng
trên mảnh đất cù lao này cũng thấy sự tất bật, khẩn trương hiện rõ trên
từng khuôn mặt các nhà vườn. Họ đang chăm chút trong từng công việc của
mình, với mong muốn góp thêm hương sắc cho mùa Xuân mới…
Thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ rất mạnh các loại hoa treo giàn, trong đó hoa dừa cạn
được nhiều khách hàng thị thành ưa chuộng. Tết năm trước hút
hàng, giá bán từ 30.000-35.000 đồng/giò hoa nhưng vẫn không đủ
cung ứng nhu cầu. Xưa nay vạn thọ, hoa cúc thường được chưng làm
đẹp ở mặt đất, trên bàn thờ …, thì bây giờ người ta thêm phần
chú ý trang trí không gian bên trên bằng những giò hoa bắt mắt có tên gọi dân dã là dừa cạn.
Hiện ở Cái Mơn có khoảng 200 hộ chuyển sang trồng giống hoa này, tăng 60% so với năm trước, mỗi hộ có từ 2.000 đến 4.000 giò.
Ưu điểm nổi bật của loại hoa này là có thể để từ 6 – 12 tháng, thích nghi được với nhiều điều kiện thời tiết, hoa lại có rất nhiều màu sắc để người mua lựa chọn.
Trên con đường về các ấp Vĩnh Bắc, Vĩnh
Hiệp, Vĩnh Chính của xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, chúng ta dễ dàng
nhận thấy các vườn mai, vườn hoa, vườn kiểng cứ nối tiếp nhau như một dấu nối đầy màu sắc.
Trước đây, dọc hai bên đường này, hầu hết là dân nghèo, ít đất, phải làm thuê kiếm sống. Nhưng bây giờ đã có nhiều thay đổi…
Người trồng hoa kiểng không cần nhiều đất, chỉ khoảng 500m2 đất cũng đủ chứa cả ngàn gốc mai và chậu kiểng. Thậm chí , có hộ tận dụng khoảng sân nhỏ trước nhà chăm sóc vài chục chậu mai cũng có thu nhập cả chục triệu đồng một năm…
Trong số sản phẩm hoa, kiểng các loại hoa
để chuẩn bị cho mùa tết năm nay, thì mai vàng chiếm khoảng 40%. Nhiều
vườn mai đã được bà con đầu tư khá quy mô, nhưng phổ biến là ở những
vườn trung bình với quy mô từ 3 đến 4 ngàn cây…
Năm nay, do thời tiết nắng mưa thất thường nên một số mai vàng ở Cái Mơn
nở sớm .Tuy nhiên, bù lại năm nay các nhà vườn đều nuôi mai tốt hơn năm
rồi,lá tốt, nhánh mập, đặc biệt nụ nhiều, đáp ứng thị trường hoa kiểng tết…
Cũng như mai vàng hay kiểng cổ, bon sai…cây tắc với trái sum suê, những năm gần đây đã trở thành biểu tượng mới của ngày tết…
Những vườn trồng tắc ở ấp Vĩnh Chính, xã
Vĩnh Thành, có nhiều tắc đẹp, chậu lớn, cây cao, sum suê trái. Đó là
những chậu tắc được trồng ghép từ nhiều gốc, tạo dáng vươn lên như ngọn
tháp, mạnh mẽ và dầy đặc trái, hẹn một sự phát triển vượt bậc, bội thu
trong làm ăn và hy vọng…
Đến với Cái Mơn,
khách phương xa có thể tìm thấy ở đây các loại cây kiểng quý hiếm, có
tuổi thọ hàng trăm năm. Có những loại cây rất thân quen như: sung, si,
khế, bùm sụm, mai chiếu thủy… Có những loại cây mang trên mình cái tên
khá "kêu" như: đinh lăng tía, tiểu huyết dụ, ngũ gia bì… Tất cả đều được
những bàn tay khéo léo, mẫn cán với tâm hồn nghệ sĩ của các nghệ nhân
biến thành những cây kiểng quý, có hình dáng đẹp, lạ, giá trị cao.
Ngoài kiểng cổ, bon sai… những nghệ nhân
còn tập trung trồng các loại kiểng lá như: hồng lộc, kim phát tài, dạ
lan thanh, trúc bách hợp, kiểng tắc, các loại mai vàng và đặc biệt là kiểng thú…
Thời điểm này trong vườn kiểng của nghệ nhân Năm Công (tên thật Nguyễn Văn Công) có hàng trăm tác phẩm kiểng thú các loại.
Trong đó, mới nhất là cặp rắn dài khoảng
16m đang trong tư thế cuộn mình vờn mây, mà ông và nhóm thợ phải tranh
thủ làm xong để giao cho khách hàng trước tết Quý Tỵ 2013.
Phía mặt tiền, 12 con giáp đang khoe mình ở những tư thế được xem là oai hùng và kiêu hãnh nhất.
Gần đây, nghệ nhân Năm Công còn sáng chế
ra nhà lục giác, nhà bát giác bằng cây si. Nhà được thiết kế rộng đủ đặt
một bộ bàn ghế để mọi người nghỉ ngơi, uống trà trò chuyện. Ông còn
sáng chế các mẫu kiểng hình bình bông, bình trà, hoa sen, hồ lô… được các khu du lịch, công viên đặt hàng quanh năm.
Theo nghệ nhân Năm Công, tất cả những tác
phẩm kiểng thú trên đều đã được khách hàng đặt mua, chỉ vài ngày nữa là
có người đến chở đi. Ngoài những loại kiểng trên, công việc chủ yếu của
ông lúc này là dồn sức làm hàng trăm kiểng hình, kiểng thú khác để cung cấp cho thị trường trong dịp Tết.
Làng hoa kiểng Cái Mơn hằng năm thu hút trên 10.000 lao động ăn theo với các nghề như đan giỏ, chuyên chở mụn dừa, tro trấu, tạo dáng kiểng, bứng cây…
Đến với xứ sở hoa Cái Mơn, khách thị thành thật không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn trái cây trĩu quả mà còn ngợp mắt trước những vườn hoa kiểng đầy màu sắc, chủng loại nằm cặp bên những ngôi nhà khang trang , xanh mát…
Tuy nhiên, nghề nào cũng có khó khăn riêng .. Thực tế, trong những ngày tìm hiểu về cuộc sống của những nghệ nhân hoa kiểng nơi đây, mới thấy họ phải lao động nhiều vất vả để có được những sản phẩm làm đẹp cho mùa xuân mới…
Ước tính, mỗi năm ở Chợ Lách có khoảng
hơn ba ngàn người dân tham gia trồng hoa Tết, tập trung ở gần chục xã,
cung cấp cho thị trường hàng triệu chậu hoa, cây kiểng có giá trị.
Thế nên, không có gì lạ khi cứ vào dịp
áp Tết, hàng triệu bông hoa đang bắt đầu nở rộ đón Xuân , đã biến vùng
quê nghèo này trở thành một "xứ sở thần tiên”, khách lạ về đây sẽ cảm
thấy ngất ngây với những ruộng hoa bạt ngàn, đa sắc…
Những bông hoa khoe sắc thắm, làm nên
hương sắc nồng nàn cho ngày tết, nhưng cần biết rằng trong đó cũng chứa
muôn vàn cực nhọc của người trồng hoa, đã đổi bao công sức lấy niềm vui cho mọi người…
Ngày Tết xem hoa kiểng khoe hương khoe sắc, sẽ thật công bằng nếu nhớ về những giọt mồ hôi trên đồng rẫy hôm nay của người làng hoa kiểng, đã làm đẹp cho đời, cho mùa Xuân mới…
Nét đặc trưng của làng hoa là rất nhiều
chủng loại, đi đến đâu chúng ta cũng bắt gặp các lòai hoa đang đua nhau
khoe sắc. Đó chính là nhờ vào bàn tay cần cù, sáng tạo của nghệ nhân
làng hoa kiểng Cái Mơn.
Trọng Dũng